Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

LỜI BÌNH TẬP THƠ "LẼ NÀO EM" HÀN PHONG VŨ CỦA NGUYỄN TRÍ HIẾU

LỜI BÌNH TẬP THƠ "LẼ NÀO EM" HÀN PHONG VŨ CỦA NGUYỄN TRÍ HIẾU


 Bút danh: Hàn Phong Vũ, Ngọc Lâm
Tên Thật: Nguyễn văn Lâm

Sinh: 19/05/1985
Nguyên quán: Thanh Hóa
Trú quán: Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh
Có nhiều thơ đăng và giới thiệu trên các Website, diễn đàn thơ văn như: vanthoviet.com ; dadung.com ;  vanghenamdinh.com ; vnthidan.net  ; lalanhdumlarachvn.wordpress.com  ;  thuhoiquan.net...
Tác phẩm đã xuất bản:
-In chung: Tuyển thơ Văn Thơ Việt Tập 2 -NXB Văn Học 2011
-In riêng: Lẽ Nào Em - NXB Thanh Niên 2011
*
Có người đã hỏi tôi: "Con người sinh ra để làm gì, phải chăng là để trải những cay đắng của dòng đời nghiệt ngã". Qủa thật, tôi không thể trả lời được câu hỏi này. Và, tôi biết, có những người sinh ra trong một gia đình giầu có và đầy đủ, có được tình thương trọn vẹn của các thành viên trong gia đình, được sự yêu thương và dạy dỗ ân cần của cả mẹ lẫn cha. Nhưng cuộc đời của những người ấy vẫn phải vướng vào những đắng cay, và sầu đau. Có thể, Thượng đế muốn ta trưởng thành hơn, cho nên mới cho vào cuộc đời của chúng ta sóng bão. Chúng ta làm sao phải vượt qua giữa những mất mát hy sinh, cuốn hút của quyền uy, tiền bạc, vượt qua được thác ghềnh của bệnh tật, đau đớn thân xác, tâm hồn...
Hàn Phong Vũ là người như vậy. Một nhà thơ với bao nhiêu bất hạnh của cuộc đời. Sinh ra là người lành lặn, và có đủ cha lẫn mẹ. Anh đã may mắn được hưởng sự ấm cúng của gia đình so với những người khuyết tật khác. Nhưng không may năm 2003, Hàn Phong Vũ đỗ đại học sư phạm, khoa văn. Dường như đó là một ngọn lửa nhen nhói trong cuộc đời anh, nó đang chuẩn bị rực cháy, để biến cái ước mơ của anh trở thành hiện thực. Nhưng cuối năm 2004, Hàn Phong Vũ không may bị một tai nạn giao thông, làm cho anh liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn mãi mãi...
Nhưng anh luôn tâm niệm trong mình " tàn nhưng không phế", anh đã biết được những con người mà mình đáng phải học như cô bé Thương Thương (Đống Đa - Hà Nôi), Huỳnh Thanh Thảo ( Củ Chi- Hồ Chí Minh)...
Hàn Phong Vũ đã tìm đến thơ, như gửi gắm những ước mơ không thực hiện được của mình. Và, trong anh vẫn nung nấu, một ngày kia, anh sẽ cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Thơ của Hàn Phong Vũ, nhiều khi là niềm vui nhỏ bé, lúc thì là nỗi buồn của sự cô đơn, nỗi nhớ quê, nhớ người da diết.
Anh đã cảm thông với cuộc đời, của những người bạn mình đang sống cùng:
"Sinh ra đã không còn cha mẹ
Vào đời bằng hai chữ mồ côi
Em lớn lên trong tình thương của đất
Và bao dung rộng lượng của trời."
(Cần một tình thương)
Từ những câu thơ trên, ta hiểu hơn về Hàn Phong Vũ. Cuộc đời cũng chẳng hơn gì những người khuyết tật khác, nhưng anh vẫn đem theo một hy vọng, không muốn dập tắt: "Xin hãy nhủ lòng xót thương, dù nhỏ/ Cho em một hy vọng êm đềm" (Cần một tình thương). Và, khi tìm được tình thương của con người, thì anh đã thốt lên: "Được người cho sống nương thân/ Ta như được sống lại lần thứ hai" (Cảm tác đời tôi). Dù cuộc đời thế nào, anh vẫn sống, vẫn làm thơ, vẫn "khao khát vô bờ... khát khao".
Chính Hàn Phong Vũ đã trải đủ các màu vị của cuộc đời, nên anh già hơn với tuổi của mình chăng. Lòng bao dung nhân ái với thiên nhiên đất, trời, với con người. Thơ thì lúc đòi sự bình yên, thơ thì lúc mãnh liệt sống và cống hiến. Với, những suy ngẫm của cuộc đời, anh chẳng giành gì cả. Anh không chê cái kiếp số của mình:
"Giàu sang người ở thị thành
Tôi nghèo khó, tôi thanh bần với quê
Dẫu cho ai ghét, ai chê
Thì tôi vẫn sống hả hê vui cười.
( Người nghèo nói)
Và, anh cũng suy nghĩa đến thân phận của mình. Nhân gian này, có ai thương xót anh không:
"Nếu mai ta chết đi rồi
Trên đời biết, có ai người khóc ta
Hồn lìa khỏi xác bay ra
Ai người thương xót, nhỏ ta giọt sầu...
(Nếu mai)
Đọc câu thơ ấy tôi lại liên tưởng đến Nguyễn Du đã từng thương xót tiểu Thanh trong tác phẩm "Đọc tiểu Thanh kí", hay của Tố Hữu đã từng thương xót Nguyễn Du trong tác phẩm "Kính gửi cụ Nguyễn Du: "Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày".
Rồi cái nỗi nhớ cứ tha thiết, phập phồng trong anh, khi nghĩ về quê hương:
"Xứ Thanh ơi! Sao mà thương nhớ
Bao năm rồi ta đã xa quê
Xa bạn bè, thầy cô yêu dấu
Xa một thời kí ức tuổi thơ ngây."
Hay
"Xa cái tết, tình quê hương ấm áp
Những xuân hè náo nức cả hồn cây"
(Xứ Thanh ơi)
Với, thân thể không còn như xưa (liệt tứ chi), anh không thể về quê được. Với lại, sinh hoạt phí của anh cũng không phải hoàn toàn là tiền anh kiếm được, nên muốn một chuyến tàu về quê cũng khó lắm. Sống trong thành phố Hồ Chí Minh, anh đã quen với nhiều bạn cùng cảnh ngộ. Rồi những buổi họp mặt những bạn thơ, anh đã quen biết được nhiều người. Những cuộc vui nào cũng phải có hồi kết thúc. Những con người lại rời xa anh, về với cuộc sống thường ngày, với công việc, thoảng mới được lời hỏi thăm qua điện thoại. Và, Hàn Phong Vũ phải tự hỏi: Đến bao giờ mới gặp lại họ. Nếu như lành lặn, anh có thể hẹn gặp họ ở nhà riêng, cơ quan, hay ở quán cà phê nào đó. Nhưng với anh bây giờ, điều đó không thể thực hiện được. Đến sinh hoạt của anh, nhiều khi vẫn cần những bàn tay của người khác giúp đỡ. Vì thế nỗi nhớ trong thơ Hàn Phong Vũ rất nhiều: "Đêm nay đầy một đơn côi/ Đầy một nỗi nhớ thương người... ngày xưa!" (Chiều đông nhớ người).
Là một con người, anh cũng biết yêu, và cái tình yêu của anh lại cực kỳ trong sáng. Nhưng dường như, tình yêu của Hàn Phong Vũ thường mang một nỗi buồn, như không thành. Nhiều khi, tôi đọc những bài thơ tình yêu của anh, cảm nhận như nhân vật anh yêu, đã ra đi mãi mãi, đã mất rồi, hay đã có nơi, có chốn:
"Em giờ bước lạc về đâu/ Có còn nhung nhớ tình đầu đôi ta?" hay "Hồn anh chợt tỉnh, chợt say/ Nhớ em... đêm vắng đắng cay một mình" (Mưa nhớ em)
Nhưng dù là không thuận trong tình yêu, âu cũng bởi kiếp số. Nhưng tôi biết, nhiều người khuyết tật, họ vẫn có những đứa con, cùng một gia đình hạnh phúc. Tôi rất mong anh, cũng có một gia đình, những đứa con và một sống hạnh phúc, đủ đầy.
Nỗi buồn, thì chẳng thể tan, nhưng vẫn có những lạc quan, vui tươi, tình yêu cuộc sống, hướng tới tương lai.
Và, trong một lần nói chuyện, Hàn Phong Vũ đã tâm sự với tôi: Tôi vẫn tìm được cái may mắn trong cái không may mắn của cuộc đời mình. Đó là sự giúp đỡ và tình thương bao la của con người". Chính vì vậy anh đã dành rất nhiều bài thơ, viết về những người đã giúp đỡ mình như một tác phẩm có cái tên: "Bài thơ". Tác phẩm ấy, anh dành riêng cho mẹ Tim. Người mẹ đã xây ra ngôi "Nhà May Mắn", để đón rất nhiều người không may mắn về ở, và cho họ niềm vui cuộc sống:
"Ôi! Mẹ Tim luôn là tiên dáng thế
Mang tình thương ban tặng cho đời
Ôi Mẹ Tim như là hoa hồng thắm
Luôn nở nụ cười hiền dịu trên môi...
Ôi Người Mẹ có trái tim cao cả
Quên tuổi đời, chẳng ngại gian lao
Suốt ngày đêm mẹ luôn trăn trở
Lo cho bao người bất hạnh thương đau."
(Bài thơ)
Hình tượng người Mẹ Tim thật cao cả. Mẹ như một hình tượng đại diện cho những người Mẹ của Việt Nam, với tấm lòng bao la nhất.
Và, một mảng thơ không thể bỏ qua trong thơ Hàn Phong Vũ, là mảng về thiên nhiên. Tuy không nhiều, nhưng mảng thơ về thiên nhiên vẫn mang dấu ấn khá sâu sắc, nhiều khi nó là điểm tựa để nhấn mạnh tâm trạng tác giả:
"Trời cao - biển rộng mênh mông
Non xanh - nước biếc thắm nồng tình quê
Mơ trên sóng nước trở về
Quê xưa - chốn cũ say mê một thời...
(Trở về)
Bài thơ, dựa vào khoảng cao của trời, khoảng rộng của biển, nét đẹp của non - nước, để miêu tả vẻ đẹp của quê hương. Bài thơ làm tôi liên tưởng tới, "Thề non nước" của Tản Đà, "Tràng Giang" của Huy Cận. Với không gian và thời gian như vậy, ta có thể khẳng định tình yêu quê hương, đất nước của anh mãnh liệt thế nào. Vẻ ao ước về quê, để quay lại ký ức dù chỉ trong mơ. Lại mơ trên sông nước trở về, nó như thể hiện sự mãnh liệt trong cái ước mơ đó của anh. Điều đó chứng tỏ Hàn Phong Vũ là một người mạnh mẽ.
Và, khi nhận thức cái giấc mơ được đi trên sóng trở về, chỉ là một giấc mơ không có thực, Hàn Phong Vũ đã dùng mùa đông, và khung cảnh thiên nhiên mùa đông, để nhấn mạnh tâm trạng của mình:
"Đông về cây lạnh lá run
Khói sương giăng phủ mịt mùng xa xăm
Quê xa bao tháng bao năm
Chiều nay gió dây, người nằm nhớ quê."
(Gió đông).
Ở đây Hàn Phong Vũ đã rất tài tình khi miêu tả về mùa đông, đến nỗi cây cối cũng nhận ra được cái lạnh, cái lạnh thể hiện cho sự cô đơn, vắng vẻ. Đã thế rồi, lại gặp cái màn sương, như che đi nhiều ước muốn, nhiều giấc mơ, làm cho anh thấy khó khăn hơn khi nghĩ về với những gì mình đang nung nấu có được. Cái hay là Hàn Phong Vũ dùng từ cũng rất độc đáo, trong câu: "Quê xa bao tháng bao năm", anh đã dùng từ "quê xa" chứ không phải "xa quê". Chính từ "quê xa" làm nhấn mạnh hơn chiều dài địa lý, chiều xa khoảng cách so với từ "xa quê". Và, hình ảnh đối lập "gió dây" và "anh nằm", hai hình ảnh như bổ trợ cho nhau, đó là một cách dùng rất độc đáo và khôn khéo.
Dù là viết về cái gì đi chăng nữa. Anh cũng dành thơ cho những bạn thơ tri kỉ, đó là nhà thơ Hữu Thịnh ở Hải Dương và nhà thơ Huệ Nguyên (Đắk lắk). Trong văn đàn, chúng tôi gọi ba người này là tam thi, mỗi người sống ở một vùng của đất nước, nhưng họ thường liên lạc với nhau. Họ cùng vui, cùng buồn với nhau. Và Hàn Phong Vũ đã từng tâm sự với tôi: Ba người chúng tôi gặp nhau từ thơ, và thơ đã gắn kết chúng tôi tự khi nào. Bài thơ " Gửi anh Hữu Thịnh" trang 30 và "Tặng bạn Huệ Nguyên" trang 31, là hai bài thơ rõ nhất về tấm lòng của Hàn Phong Vũ dành tặng cho hai bạn thơ tri kỉ: "Anh ơi xin chớ buồn lâu/ Đớn đau hãy gửi lệ sầu vào thơ (Gửi anh Hữu Thịnh), và "Một đời mang trọn nỗi sầu/ Hồn thơ vẫn thấm đượm màu yêu thương" (Tặng bạn Huệ Nguyên).
Qủa thật, ba người cùng cảnh ngộ, nên chắc họ hiểu nhau nhất. Về thể thơ họ đều dùng nhiều nhất với dòng thơ lục bát. Họ đã cùng an ủi nhau trong cuộc sống, để vượt qua được những con đường dài trước mắt, để có ích cho đời.
"Lẽ nào em" là tập thơ thể hiện được tình yêu thiên nhiên, con người, những niềm tin vực dậy cuộc sống để vươn xa với cuộc đời. Hàn Phong Vũ đã và đang hòa chung vào nền thơ ca của người khuyết tật, là tiếng nói mạnh mẽ của lòng người, xít gần người và người. Mỗi bài thơ trong tập thơ "Lẽ nào em" như một lời chân thành làm rung động lòng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét