Đôi Giòng Tâm Tình
Nỗi lòng đau đớn
Ở đời làm sao biết trước được điều gì sẽ đến và xảy ra với mình sau này. Riêng với tôi thì đã có rất nhiều điều xảy ra mà tôi không thể nào ngờ được.
“Làm sao học được chữ ngờ,
Nên khi gặp phải bây giờ đớn đau”.
Tôi tên là Lâm, 24 tuổi. Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa, cha mẹ tôi đều làm nghề nông. Từ nhỏ tôi đã thấy cha mẹ tôi vất vả lam lũ để nuôi tôi học hành khôn lớn. Vì vậy tôi rất thương cha mẹ, cố gắng học tốt để không phụ lòng và công sức cha mẹ.
Thời gian trôi dần theo năm tháng và tôi cũng đã lớn khôn. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi quyết định rời quê hương đem vốn liếng học hành bao nhiêu năm nay thi vào trường Đại học Cao đẳng với mơ ước học thành tài để mai này trở về góp công sức nhỏ xây dựng quê hương đất nuớc.
Sau 3 ngày 2 đêm đi xe vất vả, tôi có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên xa quê, lại vào một thành phố lớn nên tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ trước cảnh xa hoa, tráng lệ và đông đúc của Sài gòn.
Ở đây tôi đã đi tìm việc làm, qua nhiều ngày tìm kiếm, tôi vào làm công nhân cho một công ty. Ban ngày đi làm, ban đêm về ôn bài để chuẩn bị thi vào Đại học. Sau ba tháng, tôi thi đậu vào trường Sư phạm tôi hằng ao ước. Cả gia đình tôi vui mừng, niềm tin và hi vọng của tôi đang dần tỏa sáng. Tôi tự nhủ mình phải tiếp tục cố gắng học tập thật tốt để mai này ra trường góp sức xây dựng cho gia đình và xã hội.
Nhưng tôi nào có ngờ, thời gian làm sinh viên chưa được bao lâu thì một tai nạn giao thông đã đổ xuống đầu tôi. Bao niềm tin và hi vọng đang tỏa sáng tràn đầy, bao mơ ước niềm vui của thời sinh viên trong sáng như tà áo trắng, bao công sức học hành bấy nhiêu năm, bao niềm tin và hi vọng của gia đình, thầy cô cùng bạn bè bỗng chốc đã tan thành mây khói.
Sau khi bị tai nạn, anh em và bạn bè đưa tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy, ở đây các bác sĩ chẩn đoán tôi bị gãy cổ, toàn thân bị tê liệt phải kéo tạ cho xương cổ thẳng ra để phẩu thuật.
Qua 7 ngày kéo tạ đau đớn vật vã, bác sĩ đã phẫu thuật cho tôi. Khi tỉnh dậy toàn thân và tứ chi tê liệt, miệng ngậm ống oxi, mũi thông ống ăn súp. Lúc này tôi chỉ sống và hoạt động bằng đôi tai và đôi mắt giống như đời sống thảo mộc. Tôi đau đớn vô cùng chỉ muốn chết đi cho xong nhưng nghĩ tới cha mẹ, thầy cô bạn bè và công sức học tập lâu nay của mình, tôi không thể bỏ cuộc như vậy. Tôi vẫn hi vọng rồi mình sẽ bình phục.
Thế rồi ngày cứ qua ngày, tôi nằm trong phòng cấp cứu đã 45 ngày mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tôi biết vì nhà nghèo nên cha tôi đã phải vay mượn rất nhiều tiền để chữa trị cho tôi. Mẹ tôi vì quá thương tôi mà khóc rất nhiều. Vì tôi mà cả gia đình đau khổ, lòng tôi đau đớn xót xa khi nhìn thấy nét mặt gầy gò của cha mẹ, cha mẹ đã chăm sóc tôi từng giờ từng ngày. Em trai tôi đang học lớp 10 vì thương cha mẹ, thương tôi đã phải nghĩ học vào chăm sóc tôi. Lòng tôi đắng cay chỉ muốn hét lên:
“Hỏi ai tôi biết hỏi ai?
Tại sao tôi bị đớn đau thế này”.
Đau buồn càng thêm buồn đau khi bác sĩ nói với cha tôi rằng tôi bị chấn thương rất nặng khó qua khỏi, gia đình nên đưa về nhà.
Ánh mắt cha tôi đượm buồn nhìn tôi không nói gì, nhưng tôi biết cha tôi muốn nói con không thể chết được, con phải sống. Vì thế cha tôi quyết định xin bác sĩ cho tôi tiếp tục ở lại điều trị đến hơi thở cuối cùng.
Một tuần sau sức khỏe của tôi đã khá hơn nên bác sĩ đã chuyển tôi qua khoa tủy sống – phục hồi chức năng bệnh viện điều dưỡng quậân 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Ở đây tôi được các kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu rất nhiệt tình. Lúc bấy giờ vì muốn tiếp tục chữa trị cho tôi cha mẹ tôi buộc phải trở về quê đi làm kiếm tiền cho tôi nằm viện, chỉ còn em tôi ở lại chăm sóc tôi.
Nhìn thấy em chăm sóc tôi tận tâm, tôi thấy mình rất có lỗi với em và gia đình, vì tôi mà cha mẹ phải khổ, em tôi không còn được đi học nữa.
Rồi cứ thế, hai tháng, năm tháng, bảy tháng trôi qua sức khỏe của tôi có phần khá hơn nhưng chân tay của tôi không hoạt động. Tôi cùng gia đình rất bưồn khi nghe bác sĩ nói là tôi phải ngồi xe lăn suốt đời.
Một năm trôi đi, đôi tay của tôi đã hoạt động, nhưng vẫn không thể cầm nắm được gì, tôi đã cố gắng tập luyện ngày đêm mà vẫn không tiến triển, tôi thất vọng và chán nản vô cùng. Có lẽ mọi thứ đối với tôi đã chấm hết, tôi đã trở thành một người tàn phế hoàn toàn, suốt ngày tôi chẳng muốn nói chuyện với ai. Chưa bao giờ tôi thấy đau khổ , tuyệt vọng và mất niềm tin như lúc này.
Thời gian tôi nằm viện đã là 17 tháng, tôi biết cha mẹ đã phải mượn rất nhiều tiền để tôi chưa trị, tôi đã làm cho gia đình phải nợ chồng chất, nên bây giờ cha mẹ tôi đã kiệt sức không còn đủ khả để cho tôi tiếp tục nằm viện nữa, đã đến lúc tôi phải ra viện để trở về quê nhà. Tôi biết rằng với bệnh tình của tôi nếu trở về quê thì chỉ có chết, chẳng còn chút hi vọng nào cho tôi nữa.
Trong lúc tinh thần của tôi đang bế tắc không lối thoát và tuyệt vọng vô cùng thì vào một ngày tháng 12-2005 khí trời đang dần chuyển sang mùa xuân làm cho mọi người náo nức phấn khởi. Buổi tối hôm đó tôi xuống xe lăn cùng em tôi đi dạo vòng quanh bệnh viện, tình cờ tôi gặp một người phụ nữ khoảng trên 30 tuổi, cô là một người Thụy Sĩ nhưng cô lại nói tiếng việt rất rõ, cô tên là Tim Anline. Khi gặp tôi ngồi xe lăn cô bèn bước lại nhìn tôi với ánh mắt dịu hiền và cảm thông, cô ân cần nhẹ nhàng hỏi gia cảnh tôi. Sau khi nghe tôi kể về hoàn cảnh của mình cô liền hỏi tôi: “Ước mơ của em bây giờ là gì?” Tôi trả lời: “Ước mơ của em bây giờ là có thể hồi phục sức khỏe và tiếp tục học hành”. Khi tôi nói xong, cô liền nói: “Vậy thì cô sẽ giúp em’’ và cô kể cho tôi nghe về mái Nhà May Mắn mà cô xây dựng để nuôi dưỡng người khuyết tật và trẻ mồ côi. Nghe xong thì tinh thần tôi rất vui vì nỗi bế tắc của tôi bấy lâu nay đã được giải tỏa.
Thế rồi tôi cảm ơn và chia tay cô hẹn ngày ra viện sẽ về Nhà May Mắn gặp cô.
Nhà May Mắn Thân Thương - Gia Đình Thứ Hai Của Tôi.
Sau khi chia tay với cô Tim, tôi và em trai trở về trong niềm phấn khởi, trong lòng tôi bừng lên niềm tin và hi vọng vào một ngày mới sẽ đến.
Ngày 14-2-2006 tôi ra viện, hai anh em tôi chỉ còn đủ tiền đi taxi đến địa chỉ cô Tim đã cho. Trên đường đi thắc mắc: Nhà May Mắn có lớn không? Có nhiều người không? Họ sống như thế nào? Họ có giống mình chăng? Họ sinh hoạt và làm việc như thế nào? Tại sao cô Tim không phải là người Việt Nam mà lại yêu thương người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đến như vậy?
Những câu hỏi đó khiến tôi rất nôn nóng và bồn chồn, chỉ muốn nhìn thấy ngay ngôi Nhà May Mắn mà mình sẽ tới.
Một giờ đồng hồ trôi qua mà tôi cảm thấy rất lâu có lẽ do tôi đã quá nóng bụng. Cuối cùng xe cũng đã tới con hẻm Nhà May Mắn, từ đầu hẻm tôi đã nhìn thấy một ngôi nhà màu xanh nhỏ nhắn xinh xinh. Khi xe tới trước cửa tôi nghe tiếng cười cười nói nói rất vui vẻ từ trong nhà vọng ra.
Xuống xe, tôi nhìn thấy một cảnh tượng rất sôi động và náo nhiệt, tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ. Rồi có anh liệt hai chân ngồi xe lăn ra đón tiếp tôi rất niềm nở, anh dẫn tôi đi giới thiệu với tất cả mọi người.
Ở đây có cả nam và nữ, họ đề rất vui vẻ dễ gần và họ làm việc rất mê say. Sau khi gặp gỡ chào hỏi mọi người xong, tôi được sắp sếp vào phòng ở rất chu đáo, và hôm đó tôi cũng đã biết được một tin rất vui, đó là ngày 18-2-2006 Trung Tâm Chắp Cánh sẽ khánh thành hoạt động. Đây là trung tâm dành cho mọi người trong nhà làm việc, học nghề và học văn hóa. Nhà May Mắn chỉ còn là chỗ ăn ở và nghỉ ngơi sinh hoạt của anh em.
Bốn ngày sau, hai anh em tôi cùng tất cả mọi người tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Chắp Cánh trong niềm vui sướng hân hoan, tôi hòa với mọi người tận mắt thấy một trung tâm khang trang với các phòng học văn hóa, học nghề (May, Vẽ, Tin học, Mỹ nghệ) có đầy đủ dụng cụ học tập. Tôi cùng các anh em khuyết tật và mồ côi rất vui mừng vì từ nay chúng tôi có một trung tâm mới học tập và làm việc.
Hai tháng trôi qua, anh em tôi quen dần với cuộc sống sinh hoạt ở Nhà May Mắn và hòa nhập với tất cả mọi người. Qua nhiều lần tâm sự với các cô chú và các anh chị trong nhà mà tôi đã biết rõ hơn về cô Tim và Nhà May Mắn.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp một người phụ nữ như cô Tim, cô là một người có trái tim không biên giới, giàu lòng vị tha, nhân ái và yêu thương tha nhân.
Khi sang Việt Nam cô chỉ mới 20 tuổi, nhưng khi gặp những mảnh đời bất hạnh, những em mồ côi lang thang ngoài đường, cô không thể cầm đuợc lòng mình, cô đã không ngần ngại đưa họ về chỗ ở của mình nuôi dưỡng chăm sóc, vì thấy cô có trái tim nhân ái và giàu lòng vị tha nên người Việt Nam gọi cô là cô Tim.
Năm 1993 Nhà Mắn Mắn ra đời, mới đầu ít người nhưng rồi số người ngày càng nhiều hơn, một mình cô nuôi gần 20 người, cô gặp rất nhiều khó khăn, cô phải đi làm ngày đêm đồng thời đi quyên góp nhiếu nơi để kiếm kinh phí nuôi dưỡng anh em, cô đã mở lớp học nghề và chữ cho mọi người để tính kế lâu dài. Rồi thời gian cứ trôi qua số người trong Nhà May Mắn càng tăng, chỗ ở ngày chật hẹp.
Qua nhiều năm vất vả về Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ để thành lập hiệp hội Nhà May Mắn nhằm quyên góp tài chính và vật chất đủ để xây một trung tâm huấn nghệ cho anh em khuyết tật và trẻ em mồ côi có chỗ học tập và làm việc. Tháng 2-2006 Trung Tâm Chắp Cánh ra đời trong sự vui mừng của cô Tim và tất cả mọi người. Từ nay chúng tôi đã có một trung tâm khang trang rộng lớn học tập và làm việc. Tất cả chúng tôi rất cảm động và cảm phục trước những việc làm cao cả, bao la của cô Tim nên kính trọng gọi cô là Mẹ Tim, tôi và mọi người luôn xem Mẹ là người Mẹ thứ hai của mình.
Người ta thường có câu “thương người như thể thương thân”, nhưng với Mẹ thì Mẹ còn thương chúng tôi hơn cả bản thân. Mẹ đã phải lìa xa gia đình quê hương, quên tuổi thanh xuân, quên đời mình để lo cho cuộc sống chúng tôi được no ấm, học hành đàng hoàng. Có lẽ trên đời này khó có người thứ hai làm được như Mẹ TIM.
Từ khi tôi về Nhà May Mắn tôi được sống trong tình thương ấm cúng của Mẹ Tim và tất cả anh em, cô chú. Ở đây Mẹ đã tạo điều kiện cho tôi tiếp tục điều trị bệnh, tập vật lý trị liệu, học anh ngữ, tin học. Còn em trai được Mẹ Tim giúp đỡ tiếp tục học văn hóa cấp 3. Năm nay em trai tôi đã học đại học năm đầu tiên, tôi rất vui vì em trai tôi có thể đi tiếp con đường mà tôi đi chưa hết.
Để cho cuộc sống của chúng tôi đươc ổn định, Nhà May Mắn được phát triển toàn diện, để chúng tôi được chăm sóc tốt, đảm bảo sức khỏe học tập Mẹ Tim đã tuyển một nhóm nhân viên chính thức và tình nguyện vào làm việc tại Nhà May Mắn: như cô Chi phụ trách bên đời sống, thầy Tùng bên giáo dục, anh Nghĩa bên thư kí, anh Sơn bên xã hội đào tạo nghề, chị Lan bên kế toán, chị Dung bên y tế - vật lý trị liệu, anh Lanh bên chăm sóc bệnh, chị Anne Laure thủ quỷ, anh Quốc bên bảo quản tài sản, cùng các thầy cô giáo dạy văn hóa, dạy nghề, các cô nhà bếp nấu ăn, các chú bảo vệ, các cô dọn vệ sinh và nhiều nhân viên tình nguyện khác, tổng cộng khoảng 40 nhân viên. Tất cả đều làm việc rất nhiệt tình và chu đáo, họ luôn thương yêu và giúp đỡ chúng tôi.
Hiện tại có khoảng gần 70 thành viên khuyết tật và trẻ mồ côi sống trong Nhà May Mắn cùng với khoảng trên 200 học sinh cộng đồng. Tất cả chúng tôi mỗi người có một nỗi đau bất hạnh khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi đều được Mẹ Tim cưu mang nuôi dưỡng.
Với tôi thì tuy tôi là một người bất hạnh nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn biết bao nhiêu người khuyết tật và trẻ mồ côi khác phải hàng ngày lang thang kiếm sống ngoài đường. Bởi vì tôi được sống trong ngôi nhà May Mắn đầy tình thương và hạnh phúc.
Năm tháng trôi qua thấm thoát mà đã ba năm tôi và em trai sống ở Nhà May Mắn, tinh thần tâm lý và sức khỏe của tôi đã khá hơn hơn rất nhiều, tuy liệt tứ chi phải ngồi xe lăn nhưng tôi không còn tuyệt vọng mất niềm tin và u sầu như ngày nữa mà tinh thần của tôi đã phấn chấn hơn, vui vẻ, yêu đời hơn:
“Thân tôi tuy đã phai tàn
Nhưng tôi vẫn sống tràn đầy sức xuân
Biết đời còn lắm gian truân
Nhưng tôi vẫn sống lạc quan yêu đời”.
Chính Mẹ Tim đã cho tôi sự sống trở lại, cho tôi lấy lại niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Hiện tại tôi vẫn đang theo học tin học và anh văn với mơ ước mai này có thể giúp ích được phần nào cho bản thân, gia đình và xã hội.
Lại một mùa xuân mới đang đến làm cho tôi và tất cả anh em gợi lên một nỗi niềm nhung nhớ gia đình và quê hương. Nhưng những nỗi niềm nhung nhớ, cô đơn hiu quạnh đó đã vơi đi và được xóa mờ trong vòng tay yêu thương chan chứa tràn đầy lòng nhân ái bao dung của Mẹ Tim và mọi người. Ngôi Nhà May Mắn đã trở ngôi nhà thân yêu thứ hai của tôi và mọi người, hàng ngày tới bữa ăn chúng tôi luôn ngồi quây quần cùng nhau thật vui vầy và ấm cúng.
Để Nhà May Mắn được ngày càng phát triển ổn định lâu dài Nhà May Mắn luôn rất cần có nhiều nhân viên tình nguyện tới làm việc, tôi mong rằng thông qua trang web Nhà May Mắn sẽ có thêm nhiều người biết về Nhà May Mắn và qua đó sẽ giúp đỡ Nhà May Mắn nhiều hơn về mọi mặt.
Tất cả chúng tôi có được một cuộc sống no ấm ổn định, học hành tử tế, tinh thần vui vẻ và yêu đời như ngày hôm nay là nhờ vào công lao cao cả của Mẹ Tim cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình về vật chất và tinh thần của các quý ân nhân trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua.
Tôi xin thay mặt toàn thể anh em khuyết tật, cùng các em trẻ mồ côi và các em học sinh cộng đồng xin chân thành cảm ơn tới Mẹ Tim cùng quý ân nhân trong và ngoài nước, chúng tôi xin hứa sẽ luôn sống tốt, cố gắng học tập thành nghề để không phụ lòng, sự hi sinh cao cả của Mẹ Tim và sự giúp đỡ nhiệt tình của các quý ân nhân.
Tôi mong rằng từ nay sẽ có nhiều hơn quý ân nhân và nhân viên tình nguyện trong và ngoài nước nhiệt tình giúp đỡ Nhà May Mắn chúng tôi. Để nhà may mắn luôn được phát triển ổn định lâu dài và bền vững. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Nhân dịp năm mới con xin chúc Mẹ Tim luôn vui vẻ mạnh khỏe, tươi trẻ và tràn đầy hạnh phúc, chúc các quý ân nhân trong và ngoài nước một năm mới phúc lộc đầy nhà, an khang thịnh vượng vạn sự như ý.
Người tâm sự.
Nguyễn Ngọc Lâm.
Tháng 6/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét